Nhận định Đỗ_Tử_Bình

Sách Đại Việt sử ký toàn thư nêu ý kiến của các sử gia về Đỗ Tử Bình như sau[7]:

Theo Phan Phu Tiên:

Bậc danh nho các đời có bài trừ được dị đoan, truyền giữ được đạo thống thì mới được tòng tự ở Văn Miếu, thế là để tỏ rõ đạo học có ngọn nguồn. Nghệ Tông cho Chu An, Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình được dự vào đó,... Tử Bình là hạng học nhảm chiều người, tham lam bòn vét, là kẻ gian thần hại nước, sao lại được len vào chỗ đó?

Theo Ngô Sĩ Liên:

Tử Bình lén đánh cắp vàng cống của Bồng Nga, tậu bậy lừa vua, để đến nỗi Duệ Tông đi tuần phương nam không trở về nữa, nước nhà từ đó liên tiếp có tai họa Chiêm Thành vào cướp, tội ấy giết cũng chưa đáng, còn học nhảm chiều người thì chê trách làm gì?

Khâm định Việt sử thông giám cương mục có nhận định về ông[5]:

Tử Bình là người không học theo chính đạo, chỉ a dua với đời, lại hay bày đặt thuế khóa bắt dân đóng góp nặng để nịnh hót người trên; cho nên được nhà vua tin dùng. Từ khi Tử bình đi đánh Chiêm Thành không nên công trạng gì...

Ý kiến của Tự Đức về lỗi của Tử Bình trong trận Đồ Bàn 1377[3]:

Tội... người này đáng giết, không dung tha được; thế mà lại còn vẫn dùng! Chính sự nhà Trần không có kỷ cương gì cả, trách nào chẳng bại vong.

Trần Xuân Sinh lý giải những may mắn mà Đỗ Tử Bình có được trong đời làm tướng nhà Trần là do thượng hoàng Trần Nghệ Tông làm mất kỷ cương, mê tối cùng cực, không biết ai là người hay, người gian nữa[6].